Kiến thức cơ bản về kiến trúc xây dựng trước khi làm nhà. - EN

Thuật ngữ và định nghĩa chung

Trước khi xây nhà chủ nhà cần tìm hiểm các thuật ngữ chung nhất về xây dựng để tiện trao đổi nói chuyện với Kiến trúc sư: chỉ giới đường đỏ là gì, khoảng lùi là gì, mật độ xây dựng là gì, ban công có khác logia không?...

Chỉ giới đường đỏ(red boundary line) Đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.

Chỉ giới xây dựng(construction boundary line) Đường giới hạn cho phép xây dựng công trình chính trên thửa đất.

Khoảng lùi(setback space) Khoảng không gian giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng.

Mật độ xây dựng thuần (net building density) Tỷ lệ diện tích chiếm đất của nhà trên diện tích thửa đất (không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình ngoài trời như tiểu cảnh trang trí, bể bơi, bãi (sân) đỗ xe, sân thể thao, nhà bảo vệ, lối lên xuống, bộ phận thông gió tầng hầm có mái che và công trình hạ tầng kỹ thuật khác).

CHÚ THÍCH 1: Các bộ phận công trình, chi tiết kiến trúc trang trí như: sê nô, ô văng, mái đua, mái đón, bậc lên xuống, bậu cửa, hành lang cầu đã tuân thủ các quy định về an toàn cháy, an toàn xây dựng không tính vào diện tích chiếm đất nếu bảo đảm không gây cản trở lưu thông của người, phương tiện và không kết hợp các công năng sử dụng khác;

CHÚ THÍCH 2: Diện tích chiếm đất được tính là toàn bộ diện tích của sàn tầng một/trệt theo mép ngoài tường bao của nhà bao gồm cả phần sân hoặc hiên (có mái che) của tầng một/trệt được chống đỡ bởi cột hoặc tường chịu lực nhưng không bao gồm diện tích phần sân hoặc hiên được che bởi ban công. Trường hợp nhà có tường chung thì tính theo tim tường chung.

 

Diện tích sàn của tầng (floor area) Diện tích sàn xây dựng của tầng đó, gồm cả tường bao (hoặc phần tường chung thuộc về nhà) và diện tích mặt bằng của lô gia, ban công, cầu thang, giếng thang máy, hộp kỹ thuật, ống khói.

CHÚ THÍCH 1: Diện tích mặt bằng sàn của tầng hầm, tầng nửa hầm: được đo từ mép ngoài tường xây của tầng hầm, tầng nửa hầm bao gồm cả phần diện tích đường dốc nằm ngoài tường bao của tầng hầm (nếu có).

CHÚ THÍCH 2: Diện tích mặt bằng sàn của tầng 1: được đo từ mép ngoài tường xây (không bao gồm cổ móng) hoặc tính từ tim tường ngăn chia các nhà ở bao gồm cả diện tích ban công, lô gia (nếu có) và phần sân (có mái che), hiên (có mái che) của tầng 1; Diện tích mặt bằng sàn từ tầng 2 trở lên (bao gồm cả diện tích tầng tum, tầng áp mái): được đo từ mép ngoài của tường xây hoặc tính từ tim tường ngăn chia các nhà ở bao gồm cả diện tích ban công, lô gia (nếu có) và phần sân hoặc hiên có mái che (chỉ tính khi mái che liền tầng hoặc mái đua, sê nô, diềm mái của tầng áp mái nằm liền ngay phía trên của phần sân, hiên đó).

CHÚ THÍCH 3: Diện tích lỗ thang được tính vào diện tích sàn xây dựng; diện tích lỗ thông tầng không tính vào diện tích sàn xây dựng.

Diện tích sử dụng(usable area) Diện tích sàn được tính theo kích thước thông thủy: bao gồm diện tích sàn có kể đến tường/vách ngăn các phòng bên trong nhà, diện tích ban công, lô gia; Không bao gồm diện tích phần sàn có cột/vách chịu lực, có hộp kỹ thuật nằm bên trong nhà và diện tích tường bao.

Tổng diện tích sàn(gross floor area) Tổng diện tích sàn của tất cả các tầng, bao gồm cả các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng áp mái và tầng tum, tính cả diện tích tường bao.

 

 

Chiều cao tầng (floor height) Khoảng cách giữa hai sàn nhà, được tính từ mặt sàn tầng dưới đến mặt sàn tầng trên kế tiếp.

Chiều cao thông thủy của tầng(floor clearance height) Chiều cao từ mặt sàn hoàn thiện đến mặt dưới của kết cấu dầm, sàn hoặc trần đã hoàn thiện hoặc hệ thống kỹ thuật của tầng.

Kích thước thông thuỷ(clearance area) là kích thước được đo đến mép trong của lớp hoàn thiện tường/vách/đố kính/lan can sát mặt sàn (không bao gồm các chi tiết trang trí nội thất như ốp chân tường/gờ/phào, v.v.). Đối với ban công, lô gia thì tính toán toàn bộ diện tích sàn, trường hợp có mép tường chung thì tính theo mép trong của tường chung.

 

Ban công (balcony) Không gian có lan can bảo vệ, nhô ra khỏi mặt tường bao của nhà.

Lô gia(loggia)Không gian có lan can bảo vệ, lùi vào so với mặt tường bao của nhà (chỉ có 1 mặt thoát)

Phần ngầm/kết cấu ngầm (substructure) Phần/kết cấu có phần lớn hoặc toàn bộ nằm dưới cao độ của mặt đất tiếp giáp hoặc ở một cao độ xác định.

Số tầng nhà (number of storeys) Tổng của tất cả các tầng trên mặt đất và tầng nửa/bán hầm nhưng không bao gồm tầng áp mái.

CHÚ THÍCH 1: Tầng tum không tính vào số tầng cao của nhà khi sàn mái tum có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái (xem Hình A.29, Phụ lục A).

CHÚ THÍCH 2: Tầng lửng không tính vào số tầng nhà khi có diện tích sàn không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới và chỉ có một tầng lửng không tính vào số tầng cao của nhà.

CHÚ THÍCH 3: Đối với nhà có các cao độ mặt đất khác nhau thì số tầng nhà tính theo cao độ mặt đất thấp nhất theo quy hoạch được duyệt.

CHÚ THÍCH 4: Cách xác định số tầng nhà trong một số trường hợp tham khảo Hình A.22 đến Hình A.25,  Phụ lục A.

Tầng áp má (attic storey) Tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m.

Tầng hầm (basement storey) Tầng mà quá một nửa chiều cao của nó nằm dưới cao độ mật đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

CHÚ THÍCH: Khi xem xét các yêu cầu về an toàn cháy đối với nhà có cao độ mặt đất xung quanh khác nhau, không xác định tầng hầm dưới cao độ mặt đất theo quy hoạch được duyệt là tầng hầm nếu đường thoát nạn từ tầng đó không di chuyển theo hướng từ dưới lên trên.

Tầng lửng (mezzanine storey) Tầng trung gian giữa các tầng mà sàn của nó (sàn lửng) nằm giữa sàn của hai tầng có công năng sử dụng chính hoặc nằm giữa mái công trình và sàn tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới; tầng lửng có diện tích sàn nhỏ hơn diện tích sàn xây dựng tầng có công năng sử dụng chính ngay bên dưới.

Tầng nửa/bán hầm (semi-basement storey) Tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc ngang cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

Tầng trên mặt đất (above ground storey) Tầng mà cao độ sàn của nó cao hơn hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

Tầng tum (rooftop access storey)Tầng trên cùng của tòa nhà sử dụng cho các mục đích bao che lồng cầu thang, giếng thang máy, các thiết bị công trình (nếu có) và phục vụ mục đích lên sàn mái và cứu nạn cứu hộ.

 

Bài viết liên quan