Kinh nghiệm xác định nhu câu của gia đình trước khi thuê kiến trúc sư thiết kế nhà - EN

1. Xác định số người, độ tuổi và thời gian lưu trú trong gia đình

Một trong những việc quan trọng nhất trong một công trình kiến trúc là xác định đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng của công trình. Đối với công trình nhà ở cũng vậy. Chúng ta cần xác định những ai sẽ ở trong ngôi nhà này, độ tuổi, giới tính, sở thích, thậm chí là lịch trình sinh hoạt hằng ngày.

Anh chị cần ghi ra đầy đủ và rõ ràng các thông tin này bởi chúng cực kỳ quan trọng, giúp xác định các thành phần cơ bản cần có của ngôi nhà, giúp cho kiến trúc sư đưa ra thông tin tư vấn và phương án thiết kế phù hợp nhất cho từng thành viên trong gia đình.

Thành phần của một gia đình phổ biến ở Việt Nam như sau:

  • Ông bà: Thường sẽ cần một phòng ngủ ở tầng trệt do việc lên xuống cầu thang gặp khó khăn vì vấn đề tuổi tác bố trí vệ sinh trong phòng để thuận tiện sử dụng và dọn dẹp.
  • Vợ chồng gia chủ: Thường được gọi là phòng Master sẽ là phòng ngủ đẹp nhất, rộng nhất và tiện nghi nhất trong nhà, vị trí thường dễ dàng quan sát cả căn nhà và quản lý con cái. Có vệ sinh riêng để phục vụ cho việc sinh hoạt vợ chồng.
  • Con cái: Tùy theo độ tuổi, giới tính và giới hạn ngân sách cũng như diện tích có thể cho hai con ở chung một phòng hoặc mỗi con một phòng riêng, có vệ sinh riêng hoặc chung.
  • Gia nhân: Nếu gia đình có người giúp việc ở lại thì cần thêm một phòng ngủ nhỏ.
  • Phòng cho khách: nếu gia chủ có nhiều bạn bè, người nhà hay ghé thăm thì nên chuẩn bị trước một phòng ngủ cho khách ở lại qua đêm khi cần thiết. Đây là ví dụ về số thành viên trong một gia đình điển hình ở Việt Nam, tùy theo thực tế gia đình anh chị, hãy viết ra cụ thể.

2. Xác định nhu cầu sử dụng của gia đình

Sau khi xác định số nhân khẩu, anh chị cần làm rõ các nhu cầu khác của gia đình, việc này cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác thiết kế cũng như quy mô, chi phí xây dựng. Nên lường trước và đánh giá những sở thích, nhu cầu của gia đình xem có thực sự cần thiết? Có cần các không gian riêng để phục vụ các nhu cầu ấy hay không?

Những nhu cầu cơ bản nên được bàn bạc trước với KTS như:

  • Tôn giáo của gia đình là gì? mức độ quan tâm của bạn với tôn giáo đó - Liên quan đến việc bố trí phòng thờ, không gian thờ, bàn thờ ông táo, bàn thờ thổ địa…
  • Có xe ô tô hay không? Nếu sử dụng xe máy thì có thường xuyên dắt vào nhà hay không? – Liên quan đến việc bố trí sân, gara để xe.
  • Có thường xuyên tiếp khách hay không? Gia đình tiếp nhiếu nhất bao nhiêu khách? khách có ở lại qua đêm không?– Liên quan đến việc bài trí các không gian đối ngoại (phòng khách, phòng bếp, sân vườn...), phòng ngủ phụ cho khách...
  • Ngoài phòng vệ sinh riêng cho phòng master, mỗi phòng con nhỏ có cần phòng vệ sinh riêng hay không? – Liên quan đến số lượng phòng vệ sinh.
  • Có thường xuyên làm việc hay xem tivi (TV) trong phòng ngủ hay không? – Liên quan đến việc bố trí vật dụng phòng ngủ.
  • Nhu cầu lưu trữ đồ ít sử dụng của gia chủ nhiều hay không? – Liên quan đến việc bố trí kho, tủ chứa đồ.
  • Tình hình an ninh của khu vực xây dựng công trình như thế nào? – Liên quan đến việc bố trí tường rào, hệ thống báo động an ninh.
  • Có thường xuyên dọn dẹp nhà cửa không? tần suất dọn dẹp nhà cửa như thế nào? - Liên quan đến lựa chọn phong cách, màu sắc, chất liệu cho phù hợp.
  • Có sở thích đặc biệt nào không? nuôi thú cưng, trồng cây và chăm sóc cây xanh, chơi nhạc cụ...- Liên quan đến thiết kế không gian phù hợp.
  • Gia đình bạn thường ở nhà vào lúc nào? ai là người nấu ăn? ai là người thường xuyên ở nhà? - Liên quan đến thiết kế theo mức độ sử dụng.
  • Có kế hoạch gì cho tương lai? sinh thêm con, mua thêm xe, đón ông bà về ở cùng, chuyển qua một căn nhà khác hoặc địa phương khác sinh sống - Liên quan đến quy mô và chi phí xây dựng.
  • Ai sẽ là người quyết định thiết kế? hoặc ai sẽ quyết định phần nào? - Nhiều gia đình vợ chồng cãi nhau vì không đồng quan điểm.
  • Và bất cứ nhu cầu gì khác (phòng bí mật, phòng tình yêu...) anh chị đừng ngại trao đổi với KTS.

 

3. Một vài không gian chức năng  trong thiết kế nhà ở hiện đại:

  • Tiền phòng: Là khu vực trước khi bước vào nhà thường là để áo mưa, mũ nón, cũng là không gian chuyển tiếp giữa bên ngoài và bên trong, trời mưa tránh bị ướt sàn trong nhà, trời nắng tlà không gian đệm chuyển tiếp môi trường mát ra môi trường nóng và ngược lại .
  • Khu vực để xe: khu vực để xe thường có cửa ngăn với các không gian bên trong nhà, tùy an ninh khu vực và kiến trúc căn nhà có nơi cần làm mái có nơi không cần, có thể kết hợp với sân vườn hoặc tiền phòng.
  • Phòng thờ: Phục vụ việc thờ cúng, tùy theo tôn giáo và cách sinh hoạt sẽ có diện tích và cách bố trí khác nhau.
  • Phòng giải trí: Phục vụ nhu cầu giải trí như karaoke, xem phim, nghe nhạc... Ở các gia đình hiện đại với chất lượng sống ngày càng cao thì đây cũng là một trong những phòng thường được đầu tư khá nhiều kinh phí. Cần xác định mục đích chính là xem phim hay karaoke để có thiết kế nội thất phù hợp.
  • Phòng sinh hoạt chung: Đây là một dạng phòng thường xuyên xuất hiện trong các bản vẽ thiết kế cũ, nó đơn giản chỉ là một không gian trống nằm ở các tầng trên, mục đích là ngồi chơi thư giãn hay xem ti vi khi phòng khách đang được sử dụng. Phòng sinh hoạt chung trong các thiết kế mới thường bị lược bỏ để phần diện tích này cho giếng trời, phòng chức năng cụ thể như phòng làm việc, phòng học, phòng đọc sách ...
Bài viết liên quan