Nhà phố mái ngói mang nét kiến trúc truyền thống gần gũi và giản dị, Mạnh House, Thanh Hoá. - EN

Những ngôi nhà giữa giông bão.

Việt Nam là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Trong số đó, bão lũ là hiện tượng xảy ra thường xuyên nhất, đặc biệt ở dải đất duyên hải miền Trung, nơi người dân vẫn thường ví von: “Chỉ còn tình người đối đầu giông tố”.

Những cơn gió giật cấp 9, cấp 10 không phải điều gì xa lạ, có thể nói là thường xuyên. Mưa lớn kéo dài, nước lũ tràn về trong đêm, mái nhà tốc bay chỉ trong vài phút. Với người ở nơi khác, đó là một bản tin buổi tối. Nhưng với người sống ở vùng bão lũ, đó là cuộc sống. Mỗi năm.

Chính vì vậy, ai cũng hiểu rằng nhà ở khu vực thường xuyên có gió bão cần phải xây chắc chắn hơn. Phải cao ráo hơn. Phải chống chịu tốt hơn. Và nếu có điều kiện, người ta nên tránh dùng kính, nên lợp mái dốc, nên đổ bê tông chắc chắn, nên gia cố kỹ từng viên gạch, từng cột sắt. Nói thì dễ. Nhưng làm được không lại là chuyện khác.

Nơi cần nhà kiên cố nhất, lại là nơi khó làm nhất

Chúng ta hay nói về giải pháp chống bão như thể đó là chuyện hiển nhiên: “Phải làm vậy mới an toàn chứ”, “phải làm mái thật chắc chắn để không bị tốc mái”, nhưng có lẽ chỉ khi trực tiếp đến các xã ven biển, các huyện miền núi nơi bão lũ đi qua, ta mới thấy được một sự thật nghịch lý vô cùng là:

Những nơi cần nhà chắc nhất… lại là nơi có nhiều người không thể xây được một căn nhà vững. Họ biết nhà mình yếu, biết tường mỏng, mái tôn dễ bay, nền thấp dễ ngập, biết từng cơn mưa lớn là hiểm hoạ sẵn chực chờ. Nhưng họ không thay đổi hay làm khác đi được. Bởi vì nếu có 300 triệu để xây nhà, liệu có thể bỏ ra 100 triệu chỉ để làm mái đổ bê tông? Nếu có vài trăm viên gạch, liệu nên dùng để xây tường dày hơn, hay tiết kiệm để làm thêm phòng ngủ cho con? Người dân vùng bão không phải không hiểu kiến thức kỹ thuật chống bão, mà họ chỉ không có đủ điều kiện để lựa chọn cái tạm thời và cái tốt hơn.

Cần những bản vẽ thấu hiểu hơn là những bản vẽ đẹp

Chúng ta hay nhấn mạnh vào kỹ thuật: móng nhà sâu bao nhiêu để nhà vững chãi, sàn nhà nâng bao nhiêu để đỡ ngập, mái đổ bê tông “Mac” bao nhiêu, tường dày bao nhiêu... Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng nếu kiến trúc chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn kỹ thuật mà quên đi hoàn cảnh thực tế của người sử dụng, thì bản vẽ có đẹp đến mấy cũng khó có thể xây thành nhà.

Một bản vẽ tốt cho vùng gió bão không phải là bản vẽ chỉ toàn đúng kỹ thuật, đúng tiêu chuẩn. Mà bản vẽ tốt phải là bản vẽ phù hợp với người sẽ ở bên trong nó! Nó phải phù hợp với mức đầu tư thực tế của từng gia đình, phải phù hợp với tay nghề thợ địa phương, là những người sẽ trực tiếp thi công. Phù hợp với khí hậu, vật liệu sẵn có, tập quán xây dựng. Và trên hết, phải đủ linh hoạt để giúp người dân có thể nâng cấp từng phần theo thời gian!

Ví dụ như, thay vì xây nhà cao tầng, sàn đổ bê tông dày 10cm toàn bộ, mái đổ bê tông lợp mái ngói chống nóng. Thì có thể tính toán làm nhà gác lửng sàn lửng đổ bê tông trước, một phần mái tôn dốc nhưng có hệ giằng chắc chắn bằng sắt hộp bắn ngói trước. Sau vài năm có điều kiện có thể xây nốt phần còn lại để hoàn thành nhà 2 tầng. Vừa có tầng 2 để trốn lũ, mà vẫn đủ không gian sinh hoạt cho cả gia đình, mà chi phí vẫn vừa phải, tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Hoặc thay vì xây tường gạch đất nung, có thể thay bằng gạch không nung. Tuy khả năng chống thấm thua gạch đất nung, nhưng khả năng chịu lực và độ bền không hề thua kém. Quan trọng hơn gạch không nung rẻ hơn gạch đất nung, bảo vệ môi trường hơn, dễ mua hơn,

Biện pháp khác nữa là, thay vì lắp cửa kính thì có thể dùng cửa gỗ lá sách truyền thống được gia cố chắc chắn hơn, rẻ hơn nếu chỉ dùng các loại gỗ thông thường.

Làm kiến trúc để suy cho cùng thì không phải là “khoe mình biết nhiều kỹ thuật”, khoe “tôi vẽ đẹp”. Mà là biết dùng kỹ thuật đúng nơi, đúng người, đúng hoàn cảnh.

 Bởi vì vẽ nhà không chỉ để ở, mà còn để thích nghi biến đổi khí hậu

Ở vùng bình yên, nhà là nơi nghỉ ngơi, là tổ ấm, là không gian sống đẹp đẽ. Nhưng ở vùng bão lũ, nhà còn là nơi trú ngụ, là nơi tránh nạn, là nơi mà người ta cầu mong… nó vẫn còn nguyên sau một đêm mưa giông, gió giật.

Có những gia đình đã xây sửa nhà ba lần thì lần nào cũng hư hại vì bão, nếu không tốc mái, thì cũng bị cây đổ sập góc nhà. Có người vừa mới sửa xong mái nhà, bão tới lại phải trèo lên giằng, chống mái nếu không sợ bão sau lại bay mất. Có những đứa trẻ lớn lên không bao giờ cảm thấy an tâm mỗi khi nghe đài dự báo thời tiết nói có Bão tới.

Vậy thì, khi vẽ một căn nhà cho nơi như thế, một kiến trúc sư không thể vẽ bằng cảm tính thông thường, đẹp là được. Không thể chỉ đưa ra phương án “đẹp, đúng tiêu chuẩn, đúng chi phí”, mà không nghĩ thử liệu thợ địa phương họ có thể thi công được không? liệu vật tư có dễ mua không? nếu hư hỏng có dễ dàng sửa hay thay thế không?

Những điều đó thật sự phải được nghĩ tới, tính toán và tìm hiểu thật kỹ. Vì nhà ở vùng bão không chỉ là nơi để ở đơn thuần. Nó là nơi để sống còn, nơi phải được an toàn trước mọi yếu tố. Bản lĩnh của kiến trúc sư là làm điều lớn từ nguồn lực nhỏ. Chúng ta vẫn thường nghĩ kiến trúc sư giỏi là người tạo ra những công trình hoành tráng, độc đáo, được lên báo chí. Nhưng cũng có một sự bản lĩnh khác, lặng lẽ và âm thầm hơn đó là Thiết kế ra được một căn nhà thật sự vững chãi, đủ sống, đủ an toàn từ ngân sách rất hạn chế của một hộ gia đình khó khăn. Đó là khả năng tính toán từng chi tiết: Làm sao để tiết kiệm nhất mà vẫn bền nhất?
Làm sao để không cần vật liệu đắt tiền nhưng vẫn đảm bảo chống bão? Làm sao để người dân tự tay sửa chữa, gia cố được sau mỗi mùa mưa lũ?

Đó là kỹ năng đặc biệt, thứ mà những người làm nhà cho dân nghèo, cho vùng thiên tai, cho những nơi khó khăn nhất… đều phải học.

Đừng nghĩ rằng bản vẽ đơn giản là kém giá trị. Đôi khi, chính những bản vẽ đơn giản ấy lại giúp được cả một gia đình qua nhiều mùa bão một cách an tâm, an toàn.

 Vì khi nhà đứng vững thì người cũng bớt lo

Mỗi năm, sau bão, chúng ta lại thấy hình ảnh người dân dọn nhà, lợp lại mái, xây lại tường nhà. Lặp đi lặp lại như một chu kỳ buồn. Nhưng nếu một năm nào đó, nhà vẫn nguyên, không cần sửa chữa. Thì có lẽ, điều quý giá nhất không phải là tiết kiệm được tiền, mà là bớt được những nỗi lo.

Người cha không còn phải nửa đêm chạy ra chống cửa, mẹ không còn thức trắng lo nước lũ tràn vào nhà. Mấy đứa trẻ vẫn ngủ ngon, dù ngoài kia mưa đang trút như thác. Đó chính là giá trị của một căn nhà được thiết kế đúng, dù không toả sáng lấp lánh, không cầu kỳ mỹ mạo, nhưng vững vàng như một cái neo giữ căn nhà chắc nịch giữa thiên nhiên khắc nghiệt.

Kiến trúc ở nơi thiên nhiên dữ dội, cần phải trở nên tử tế hơn. Vì chống bão không thể chỉ là trách nhiệm của chủ nhà, của người dân. Đó còn là trách nhiệm của người thiết kế, của những nhà thiết kế cách sống của một gia đình, hay cả cộng đồng đối với thiết kế có quy mô lớn.

Chúng ta không thể thay đổi thiên nhiên. Nhưng chúng ta có thể thiết kế để sống cùng thiên nhiên một cách thông minh và nhân văn hơn. Chúng ta không thể ngăn bão tới, nhưng có thể làm cho từng ngôi nhà đứng vững hơn. Và chúng ta càng không thể yêu cầu người dân nghèo phải tự lo tất cả, nếu không đưa ra cho họ những giải pháp thiết thực, dễ hiểu, dễ làm, và ít tốn kém nhất có thể.


Tử tế phải là biết mình đang vẽ nhà cho ai.
Tử tế phải là hiểu được sau mỗi bản vẽ là một gia đình, là một giấc mơ về sự bình yên!

 

Bài viết liên quan
  • Nhà phố mái ngói mang nét kiến trúc truyền thống gần gũi và giản dị, Mạnh House, Thanh Hoá. - EN

    Những nơi cần nhà chắc nhất… lại là nơi có nhiều người không thể xây được một căn nhà vững. Họ biết nhà mình yếu, biết tường mỏng, mái tôn dễ bay, nền thấp dễ ngập, biết từng cơn mưa lớn là hiểm họa sẵn chực chờ. Nhưng họ không thay đổi hay làm khác đi được. Bởi vì nếu có 300 triệu để xây nhà, liệu có thể bỏ ra 80 triệu chỉ để làm mái đổ bê tông? Nếu có vài trăm viên gạch, liệu nên dùng để xây tường dày hơn, hay tiết kiệm để làm thêm phòng ngủ..
  • Homestay thiết kế với nét kiến trúc đương đại ấn tượng, những chi tiết nội thất tỉ mỉ - EN

    Căn nhà này bạn có thể gọi là homestay, hay gọi là “một công trình kiến trúc độc đáo”. Nhưng với chúng mình, đây đơn giản là một nơi để trốn và cảm nhận.
    Chúng mình không để căn nhà kể lể về chi tiết kỹ thuật, không tập trung vào công năng hay chi phí vật liệu. Thay vào đó, chúng mình để căn nhà thì thầm những điều không nhìn thấy bằng mắt nhưng cảm nhận được bằng tim.
  • Nhà cấp 4 thiết kế đậm nét kiến trúc truyền thống, sân vườn rộng với hồ sen chữa lành, Việt House, Bắc Kạn. - EN

    Mình đã đưa ra chọn lựa dựa trên nhu cầu của bản thân, chứ không chờ đợi bất kỳ ánh nhìn nào từ người khác! Từ những gì đã trải nghiệm ở cả hai dạng nhà, từng làm việc với rất nhiều người ở cả thành phố lẫn nông thôn, mình chợt nhận ra một điều là sự thoải mái trong ngôi nhà không đến từ diện tích, mà đến từ sự hòa tan cảm xúc. Cả gia đinh hoà hợp với nhau, trong đó có cả ngôi nhà đơn sơ cũng tan vào trong lối sống, tan vào thói quen sinh hoạt...
  • Nhà cấp 4 kiến trúc truyền thống, - EN

    Sống trong một căn nhà phù hợp với lối sống, nhu cầu cá nhân và cả cảm xúc mỗi ngày là điều các bạn ai cũng mong muốn. Sau gần 1 năm sinh sống trong căn nhà phố C tầng, D phòng ngủ này, mình quyết định viết một bài chia sẻ chi tiết về nó, đây không phải để “Quảng cáo” gì cả, mà để những ai đang tìm kiếm một không gian sống tiện nghi, khoa học và có chiều sâu trong thiết kế có thêm những góc nhìn thực tế.