Có cần chữa lành không?
Gần đây người ta nói nhiều về “chữa lành”. Mọi thứ bỗng dưng có thể gắn với hai chữ đó:
Một tách trà, một buổi camping, một khóa học thở, thậm chí cả những căn biệt thự dát đá tự nhiên cũng có thể “chữa lành” – miễn là đắt.
Nhưng có lẽ điều kỳ lạ nhất, là cả kiến trúc cũng trở thành ngành công nghiệp chữa lành.
Nơi nhà cửa không chỉ để ở, mà còn được hứa hẹn như liều thuốc cho những tổn thương nội tâm.
Người ta dựng lên những “resort mang cảm giác của làng quê”, những “farmstay mang linh hồn đất mẹ”, rồi xếp gạch thật khéo, treo đèn vàng dịu, dựng vài bức tượng đá không rõ ý nghĩa, và gọi đó là kiến trúc trị liệu.
Chúng tôi không phủ nhận rằng không gian có thể chữa lành con người. Nhưng để làm được điều đó, nó không được gây ra tổn thương cho bất kỳ điều gì trước đã.
Một căn nhà đúng nghĩa không chữa lành – mà không làm đau
LAM HOUSE không được sinh ra để "chữa" điều gì cả.
Nó chỉ lặng lẽ hiện diện – giữa đất Cẩm Phả – như một căn nhà không làm phiền thiên nhiên, không phô trương điều gì, và không cố gắng trở thành ai cả.
Chúng tôi không dùng từ “hòa mình vào thiên nhiên” – vì điều đó nghe như một lời quảng cáo.
Chúng tôi chỉ chừa khoảng trống để gió có thể đi qua, cây có thể lớn lên, và nước có thể chảy nhẹ dưới chân hiên nhà.
Chúng tôi không đặt tên cho kiến trúc, không gọi đây là Tropical hay Zen hay Rustic – vì thật ra, những người sống trong đó mới là người quyết định nó mang lại điều gì cho họ.
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Không phải nhà nào có hồ cá cũng là nơi yên bình
Một khoảng sân có cỏ, một hiên nhà có gió, một phòng khách đầy ánh sáng – không phải lúc nào cũng mang lại bình yên.
Nếu căn nhà được dựng bằng cái giá là phá rừng, lấn đất, lấp nước, dồn cống thoát lũ của cả xóm, thì ánh sáng đẹp đến mấy cũng chỉ là ánh sáng của ảo tưởng.
Với LAM HOUSE, chúng tôi không đổ thêm một tất đất nào quá mức.
Chúng tôi giữ lại từng cụm cây, từng viên đá, từng dòng thoát nước tự nhiên.
Chúng tôi không đặt thêm cây kiểng vào mỗi góc nhà để "mang thiên nhiên vào bên trong", vì thiên nhiên không cần bị “mang vào” – nó chỉ cần được tôn trọng ở chỗ nó vốn dĩ đang tồn tại.
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)


Một nơi để sống, không cần để diễn
LAM HOUSE không phải studio để quay podcast.
Không phải “phông nền sống xanh” để làm thương hiệu cá nhân.
Nó không sinh ra để người ta "ẩn náu khỏi xã hội độc hại", mà để trở thành một phần trong đời sống, nhẹ nhàng và lành tính – không tô màu, không ép buộc.
Ngôi nhà này không chạy theo triết lý sống tối giản, hay sống xanh, hay sống chậm.
Nó không theo đuổi “trường phái”.
Nó chỉ đáp ứng những điều vừa đủ để một con người sống được – và sống lâu dài.






Điều tử tế nhất mà một căn nhà có thể làm, là không tạo ra thêm vết thương cho thế giới
Không gian sống không cần được thần thánh hóa như một phép màu chữa lành.
Vì nếu mỗi căn nhà được xây bằng sự tỉnh thức, bằng hiểu biết về đất, về gió, về ánh sáng và dòng chảy tự nhiên –
Nếu kiến trúc sư không chỉ vẽ, mà còn lắng nghe…
Nếu chủ nhà không chỉ đầu tư, mà còn cảm thấu…
Thì lúc ấy, ngôi nhà đó đã lành rồi, không cần phải chữa.