Vì Sao kiến trúc hiện đại không phù hợp ở Việt Nam
Những năm gần đây, kiến trúc hiện đại trở thành lựa chọn phổ biến trong xây dựng không chỉ nhà ở mà cả công trình công cộng, nhà hàng… tại Việt Nam. Những ngôi nhà vuông vức, bề mặt phẳng mịn, dùng nhiều ô kính lớn, màu sắc trung tính như trắng, xám, đen... dễ dàng mang lại cảm giác sang trọng, tối giản. Nhưng đáng tiếc, rất nhiều người sau khi dọn vào những ngôi nhà kiểu này đã nhận ra: nhà rõ ràng ràng đẹp đấy, mà sao ở không thấy thoải mái?
Mùa hè thì nóng như lò bánh mì, mùa mưa thì nước nôi lênh láng, độ ẩm cao làm tường mốc meo, chi phí điện tăng vọt vì phải bật điều hòa cả ngày lẫn đêm trong mùa hè. Điều gì đã khiến một ngôi nhà trông sang trọng, ngon lành lại trở nên bất tiện khi đưa vào sử dụng trong khí hậu Việt Nam? Và nếu không muốn thay đổi sang kiểu nhà khác, liệu có cách nào để khắc phục hay không? Vì chỉ thích mỗi kiểu nhà hiện đại!
Câu truyện kịch tính khi kiến trúc hiện đại “va phải” khí hậu Việt Nam
Để hiểu vì sao kiến trúc hiện đại không phù hợp, ta phải nhìn vào hai điểm: nguồn gốc của kiến trúc hiện đại, và đặc điểm khí hậu Việt Nam.
Kiến trúc hiện đại (modernist architecture) bắt nguồn từ châu Âu và Bắc Mỹ vào thế kỷ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nơi có khí hậu ôn đới lạnh, mùa đông kéo dài, ánh sáng ít, không khí khô. Kiểu khí hậu này rất cần cửa kính lớn để lấy sáng, nhà kín để giữ ấm, và vật liệu như kính, thép, bê tông không hề là vấn đề lớn. Khi mang mô hình này về Việt Nam, nơi nắng nóng, độ ẩm cao, mưa dông bất chợt, mùa mưa kéo dài, thì những gì từng là ưu điểm bỗng trở thành... “nỗi ám ảnh”.
Kính nhiều, nhà sáng nhưng nóng hơn lò bánh mỳ!
Người ta chuộng dùng kính lớn để lấy sáng và làm nhà trông rộng rãi hơn. Nhưng ở Việt Nam, kính đặt ở mặt tiền thường xuyên bị nắng chiếu trực tiếp. Bức xạ mặt trời xuyên thẳng qua lớp kính, hâm nóng tường và sàn bên trong rồi cứ thế “nướng” luôn cả chủ nhà, khiến nhiệt độ phòng tăng nhanh chóng. Vào mùa hè, hiệu ứng nhà kính này khiến không gian trở nên oi bức, thậm chí không thể chịu nổi nếu không có điều hòa.
Nhà đóng kín chống bụi rất tốt nhưng không thông gió!
Nhà hiện đại thường có cửa sổ nhưng mở ra rất nóng, trong khi nhiều công trình ưu tiên cửa kính liền khối hoặc cửa nhôm kính khổ lớn để tăng tính thẩm mỹ. Điều này ngăn bụi tốt, nhưng lại hạn chế luồng gió tự nhiên. ở nước ta, đặc biệt ở miền Nam vốn có lợi thế gió mùa và độ ẩm cao, nếu không tận dụng gió trời thì không khí trong nhà trở nên ngột ngạt, dễ sinh ẩm mốc, không thoát được hơi nước từ bếp, nhà tắm.
Mái bằng, tường phẳng dễ xây nhưng...
Mái bằng bê tông hấp thụ nhiệt rất tốt, ban ngày nóng như chảo rang, ban đêm vẫn tiếp tục tỏa nhiệt xuống trần nhà. Khác với mái ngói truyền thống có khoảng đệm không khí mát phía dưới, thì mái bằng không có lớp cách nhiệt tự nhiên, trừ phi được xử lý rất kỹ (và tốn kém). Ngoài ra, mái bằng cũng dễ thấm nước nếu thi công không kỹ, nếu chống thấm không tốt thì chỉ sau vài mùa mưa, trần nhà sẽ loang lổ hoặc dột.
Vật liệu công nghiệp mạnh tăng thẩm mỹ, nhưng…
Nhiều nhà hiện đại dùng gạch men, bê tông trần, kính, thép không gỉ đều là những vật liệu nhìn rất “ngầu”, nhưng lại ít khả năng điều hòa nhiệt độ và độ ẩm. Các vật liệu này không “thở được” như tre, gỗ, vôi hay tường gạch đất nung, nên nhiệt và độ ẩm dễ tích tụ trong không gian sống, gây cảm giác bức bối và ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Vậy giải pháp là gì?
Không phải ai cũng muốn quay về với kiểu nhà ba gian, mái ngói, sân vườn rộng rãi như thời ông bà ta. Chúng ta vẫn cần một ngôi nhà hiện đại, tiện nghi, có thẩm mỹ phù hợp với lối sống mới. Nhưng nếu không điều chỉnh, nhà hiện đại sẽ trở thành “cái hộp nóng” giữa xứ nhiệt đới. Giải pháp nằm ở việc kết hợp kiến trúc hiện đại với kinh nghiệm xây nhà ở địa phương.
Cần ưu tiên thông gió và che nắng tự nhiên
Thay vì thiết kế cửa sổ chỉ để đẹp, hãy đặt cửa ở vị trí đón gió, ít nắng, tạo dòng gió chéo xuyên phòng. Bố trí giếng trời, khoảng hở, lam chắn, ô thông gió cũng giúp không khí lưu chuyển tự nhiên. Ngoài ra, hãy dùng mái hiên, ban công, vách lam, rèm cây xanh... để chắn nắng trước khi nó chạm vào kính hay tường nhà.
Sử dụng vật liệu “thở được”
Những vật liệu truyền thống như gạch đất nung, gỗ, đá chẻ, vữa vôi... có khả năng hấp thụ và thải nhiệt, thoát ẩm chậm rãi, tạo nên môi trường dễ chịu hơn. Kết hợp giữa tường gạch và lớp sơn vôi hoặc xi măng truyền thống vừa bền, vừa mát, lại có tính thẩm mỹ cao nếu xử lý bề mặt khéo léo. Các loại trần thạch cao có thêm lớp cách nhiệt, hay mái có thể trồng cây cũng là lựa chọn tốt.
Thiết kế hiện đại kiểu Việt
Một ngôi nhà hiện đại không nhất thiết phải là một khối bê tông lạnh lẽo. Bạn hoàn toàn có thể thiết kế nhà theo phong cách tối giản, nhưng vẫn sử dụng mái ngói dốc, khoảng sân nhỏ, cây xanh, hoặc bức tường gạch bông gió, đây là những yếu tố rất “Việt Nam” mà lại cực kỳ hiệu quả về mặt điều tiết vi khí hậu trong nhà. Nhiều kiến trúc sư giỏi hiện nay đã làm được điều này: kết hợp tinh thần hiện đại với chất liệu và không gian truyền thống tạo ra nét kiến trúc vừa đẹp, vừa thoáng, vừa mát.
Ứng dụng công nghệ đúng cách
Công nghệ không sai, chỉ sai khi ta lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Hãy xem điều hòa, máy hút ẩm, kính phản xạ nhiệt, cảm biến ánh sáng... là công cụ hỗ trợ, chứ không phải giải pháp chính. Bởi nếu bản thân ngôi nhà đã được thiết kế tốt, thì bạn sẽ thấy mình không cần bật điều hòa cả ngày. Điều đó không chỉ tiết kiệm tiền điện, mà còn thân thiện hơn với môi trường.
Nhà đẹp chưa chắc là nhà dễ ở
Kiến trúc hiện đại mang đến sự mới mẻ, thẩm mỹ cao và phù hợp với đời sống đô thị. Nhưng nếu sao chép nguyên xi từ mô hình phương Tây mà không tính đến đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và lối sống địa phương, thì cái đẹp đó rất dễ trở thành gánh nặng: nóng nực, tốn kém, và đặc biệt là không ở nổi.
Giải pháp không nằm ở việc từ bỏ kiến trúc hiện đại điều mà bạn rất yêu thích, mà là thiết kế hiện đại một cách thông minh, nghĩa là có chọn lọc, có điều chỉnh theo điều kiện khí hậu Việt Nam. Khi kiến trúc biết kết hợp giữa cái mới và cái cũ, giữa cái đẹp và cái tiện, giữa công nghệ và tự nhiên, lúc đó, ngôi nhà không chỉ là nơi để ở, mà là một tổ ấm đúng nghĩa.