Các loại cây xanh có thể sống tốt ở trong nhà

Cây cối là một yếu tố tuyệt vời để thêm vào cảnh trí và không gian kiến trúc. Tuy nhiên, môi trường bên trong nhà thường nhận được ít ánh sáng hơn và thông gió kém hơn, nên chỉ một số ít loài có khả năng thích nghi với điều kiện này.

Vì thế, khi muốn đặt cây cối trong nhà – có thể là căn nhà, căn hộ hoặc không gian thương mại – một số loại cây tốt hơn hẳn những loại cây khác. Chúng tôi đã chọn ra 13 loại cây tuyệt vời nhất để trang trí cảnh sắc cho nhà bạn rồi đây.

1. Cây cô tòng (Croton lawianus)

– Đặc điểm: Với tán lá lớn và sặc sỡ, có đủ các màu xanh lá, vàng, đỏ, tím, loại cây cảnh này thu hút sự chú ý nhờ lá cây sáng bóng và tuổi thọ dài.

– Cách chăm sóc: Cô tòng cần nhiều ánh sáng, vì thế nên đặt chúng gần cửa sổ và chỗ tiếp nhận được sáng đồng đều diện rộng. Loài này không thích nghi với nhiệt độ thấp hoặc/và điều hòa. Chúng sinh trưởng mạnh mẽ trong thời tiết ấm áp, và có thể cao tới 2-3 mét, nên các nhánh cây có thể được cắt tỉa và trồng lại. Tốt nhất nên giữ đất ẩm, không nên úng quá. Khi bảo dưỡng hoặc thay chậu, hãy đeo găng tay, vì nhự cây có chứa chất độc hại có thể gây kích ứng da

Mipibu House / Terra e Tuma Arquitetos Associados. Ảnh © Nelson Kon

2. Vạn niên thanh (Dieffenbachia amoena)

– Đặc điểm: Vạn niên thanh là một trong những loại cây cảnh phổ biến nhất, sống nhiều năm và cao khoảng 50cm. Loài cây này có đường gân trắng dưới tán lá, nở hoa vào mùa hè và mùa xuân. Chúng nhạy cảm với nhiệt độ thấp, thích nghi với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

– Cách chăm sóc: Loài này thích nghi tốt với độ sáng trung bình, nhưng tốt nhất vẫn nên đặt gần cửa sổ và nơi có ánh sáng tự nhiên. Chúng cần độ ẩm để tăng trưởng, thế nên bạn cần tưới nước hàng ngày, nhưng không nên để nước quá ướt. Tuy nhiên, vạn niên thanh lại có nồng độ canxi oxalat cao, đây là một hóa chất độc gây ngạt và ngộ độc khi ăn phải, vì thế, cây cảnh này phải để xa tầm với của động vật và trẻ em.

3. Cây đuôi công đỏ (Calathea ornata)

– Đặc điểm: Đuôi công đỏ là loại cây thường xanh và khỏe khắn với tán lá ánh đỏ. Loài này cao khoảng 30-90 cm và nở hoa ở những vùng có độ ẩm cao. Nó nhạy cảm với lạnh và điều hòa không khí.

– Cách chăm sóc: Trồng đuôi công đỏ trong môi trường ẩm ướt và ánh sáng yếu. Khi cây còn non, lá cây có độc, vì thế nên đeo găng tay khi thay chậu và bảo dưỡng. Lá cây sẽ mọc nhanh hơn nếu được tỉa.

MLA House / Bernardes Arquitetura. Ảnh © Leonardo Finotti

4. Dương xỉ chân thỏ (Davallia fejeensis)

– Đặc điểm: Là một loài dương xỉ xuất phát từ quần đảo Fiji và Úc, loài này cao khoảng 20 tới 40 cm. Lá của chúng mỏng manh và cong xuống, thế nên chúng nên được đặt chỗ cao.

– Cách chăm sóc: Loài này cần đất hữu cơ phì nhiêu và phải được đặt dưới ánh sáng gián tiếp, vì nó không thể phát triển dưới ánh sáng trực tiếp. Vào mùa đông, lá có xu hướng rụng đi, chỉ còn lại các nhánh cây. Còn nếu không, nên cắt tỉa bớt để lá mới mọc lên.

MLA House / Bernardes Arquitetura. Ảnh © Leonardo Finotti

5. Cây móng trâu (Nephrolepis spp.)

– Đặc điểm: Lá của loài này cũng giống như cây dương xỉ chân thỏ. Chúng không thể thích nghi với khí hậu lạnh, do đó nên được trồng ở khí hậu nhiệt đới.

– Cách chăm sóc: Do sự thay đổi trong kích thước bộ lá, loài này nên được cắt tỉa, bón phân và đặt dưới ánh mặt trời tự nhiên gián tiếp. Đất trồng phải được giữ ẩm và giàu chất hữu cơ. Cây có thể được trồng hoặc treo lên.

6. Cây kim tiền (Zamioculcas zamiifolia)

– Đặc điểm: Loài cây này đang ngày được nhiều người trồng trong nhà. Nó dễ chăm sóc và có thể sống trong môi trường ít ánh sáng.

– Cách chăm sóc: Nếu cây được đặt ở nơi nhiều ánh sáng, thì cần thêm nước cho cây. Nếu tưới nước quá mức, cây có thể bị vàng. Lá phải được rửa sạch thường xuyên bằng vòi hoặc vải ẩm để loại bỏ bụi và giữ lá sáng bóng. Đừng quên cắt bỏ các cành hỏng, tránh lây nhiễm sâu bệnh.

Babylon Garden Condotel / ALPES GDB. Ảnh © Hiroyuki Oki

7. Cây Bridal Veil (Gibasis pellucida)

– Đặc điểm: Dễ dàng nhận dạng nhờ những bông hoa nhỏ li ti màu trắng, đây là một loại cây leo mọc rất nhanh, nên cần tỉa cây liên tục. Cây cần được trồng trong chậu treo hoặc chậu gắn tường.

– Cách chăm sóc: Vì loài này không thể sinh trưởng ở nhiệt độ thấp, chúng phải được trồng ở những nơi ấm áp với ánh sáng tự nhiên hoặc nửa bóng râm. Nếu đặt loài này trong các không gian thiếu sáng, lá có thể rụng và phai màu. Hãy giữ ẩm cho đất và tưới nước thường xuyên.   

Maracanã House / Terra e Tuma Arquitetos Associados. Ảnh © Pedro Kok

8. Cây Trầu bà lá xẻ (Epipremnum pinnatum)

– Đặc điểm: Loài cây cảnh thường xanh và bán thảo mộc này thường được tìm thấy ở cùng ôn đới, do đó chúng có thể thích nghi với nhiệt độ thấp.

– Cách chăm sóc: Đặt cây trong nhà. Loài này thường được trồng trong các chậu treo tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên hoặc nửa bóng râm.

JZL House / Bernardes Arquitetura. Ảnh © Leonardo Finotti

9. Cây ngà voi (Sansevieria xiindrica)

– Đặc điểm: Nổi bật với những chiếc lá thẳng đứng và có hình trụ, đây là một loại cây trong nhà lý tưởng với sức sống khỏe khoắn, lâu dài.

– Chăm sóc: Cây ngà voi phù hợp với những người thích các loại cây ít tốn công chăm sóc. Nó cần được tưới đều đặn 15 ngày một lần và không yêu cầu cắt tỉa. Quan trọng là phải nhớ đổ nước vào đất, chứ không phải trên lá.

10. Cây Quan trúc âm (Rhapis excelsa)

– Đặc điểm: Có nguồn gốc từ châu Á, thân cây mảnh mai, tương tự như cây trúc.

– Cách chăm sóc: Loài này nên được trồng trong điều kiện ít sáng và tưới nước hàng tuần ở mức độ vừa phải. Lá khô và lá bị cháy cần được cắt bỏ. Cần làm sạch lá bằng một bình xịt nước.

11. Cây Kè nhật  (Licuala grandis)

– Đặc điểm: Loài cây thân đơn trông giống hình dạng chiếc quạt của Nhật Bản, lí tưởng cho khí hậu nhiệt đới.

– Cách chăm sóc: Nên đặt cây cảnh này gần cửa sổ hoặc trong hiên nhà, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cần tưới khoảng 4 lần một tuần và xịt nước lên lá.

Binh House / VTN Architects. Ảnh © Quang Dam

12. Cây Trúc sào (Phyllostachys Pubescens)

– Đặc điểm: Loài này dễ nhận biết nhờ hình dạng của nó, tên cây có nghĩa là “trúc lông.” “Lông” có chức năng bảo vệ cây chống lại các sinh vật gây hại.

– Cách chăm sóc: Lá và thân có màu xanh rực rỡ và cây có thể cao tới 15m với đường kính 15cm, vì vậy loài này cần cắt tỉa. Không giống như các loài tre trúc khác, chúng có thể được trồng trong chậu, miễn là có khoảng cách hợp lý giữa các thân cây.

Mipibu House / Terra e Tuma Arquitetos Associados. Ảnh © Nelson Kon

13. Các loài cây mọng nước

– Đặc điểm: Lá cây dày, có thể tích lũy nước trong khoảng thời gian dài, do đó cây rất dễ chăm sóc.

– Cách chăm sóc: Trong trường hợp lá cây bắt đầu khô héo, hãy tăng lượng nước, nếu lá bắt đầu bị thối, hãy giảm lượng nước. Nếu lá rụng, có thể là do cây không nhận đủ ánh sáng, nên trong trường hợp này, hãy đặt cây dưới ánh nắng trực tiếp 4 giờ mỗi ngày.

Nguồn: kiến việt | Biên dịch: MP

Bài viết liên quan